Công ty in
Bài mới cập nhật
Loading...
Wednesday, November 19, 2014

Tổng quan về hệ thống giáo dục ở Mỹ

Nhắc đến Mỹ, chúng ta hình dung ngay đến một  siêu cường trên thế giới với một nền kinh tế phát triển và tầm ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, đất nước Mỹ cũng gắn liền với những danh tiếng về các thành tựu trí tuệ được cả thế giới công nhận. Để tạo nên những thành quả như ngày hôm nay, hệ thống giáo dục tiên tiến của Mỹ là một nhân tố vô cùng quan trọng. Hệ thống giáo dục đó không chỉ đào tạo ra những con người tài giỏi, mà còn thu hút được lượng lớn chất xám từ khắp mọi nơi trên thế giới, đưa Mỹ trở thành miền đất lý tưởng cho học tập và phát triển. Học sinh và sinh viên Việt Nam vốn cũng đã quá quen với cụm từ “du học Mỹ” như một thành tích đáng để phấn đấu trong bước đường xây dựng cuộc sống cũng bởi chất lượng và giá trị mà nó đem lại.



Có rất nhiều lý do để chọn đi du học ở Mỹ. Chất lượng giáo dục tuyệt vời cùng vời cơ hội giáo dục phong phú luôn là những tiêu chí đầu tiên được các bạn học sinh cũng và phụ huynh quan tâm. Hệ thống đại học tốt, cơ hội tiếp thu kiến thức từ những học giả nổi tiếng, khu tàng tri thức khổng lồ, cùng với đó là sự đa dạng về ngành học, lĩnh vực và chương trình học tạo nên một nền giáo dục chất lượng hấp dẫn. Thêm vào đó là môi trường giáo dục được đầu tư với nhiều trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ tốt nhất cho việc nghiên cứu và học tập, cùng với đó là vô vàn những hoạt động ngoại khoá đầy năng động, thoải mái dành cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, bằng cấp của các trường ở Mỹ lại được công nhận toàn cầu, đem lại giá trị lớn cho sinh viên. Tất cả mọi yếu tố đều tạo dựng nên một giấc mơ cho những học sinh, sinh viên trên khắp thế giới, đó là “giấc mơ Mỹ”.

Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, thông tin đa chiều tràn ngập trên mạng Internet, việc nắm bắt kiến thức về giáo dục của Mỹ là hoàn toàn cần thiết cho những bạn đang ấp ủ dự định phát triển con đường học tập của mình và hiện thức hoá “giấc mơ Mỹ”. Hình thức, cấp bậc của hệ thống giáo dục Mỹ khá đa dạng nhưng có thể chia thành 2 mô hình chính: Tư thục và Công lập. Trường tư thục là trường không phụ thuộc vào chính phủ (địa phương, bang hay quốc gia) về cả tài chính và quản lý. Nguồn tài chính của trường phần lớn là từ học phí của học sinh, ngoài ra còn từ các nguồn tài trợ và đóng góp khác. Và trường Công lập thì ngược lại, được hỗ trợ từ chính phủ, tuy nhiên vẫn có thể nhận tài trợ và đóng góp từ bên ngoài.

Có một đặc điểm khá nổi bật ở Mỹ, đó là các trường tư thục thường có chất lượng đào tạo, giảng dạy tốt hơn so với nhiều trường công lập, và rất nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ là trường tư thục. Điều này thực sự là khác biệt rất lớn đối với hệ thống giáo dục ở Việt Nam nên cũng có thể khiến nhiều bạn HS,SV gặp chút vấn đề khi mới tìm hiểu cũng như đăng ký đi du học ở Mỹ. Tuy nhiên, không phải trường Công lập nào cũng có chất lượng kém, và cũng không phải cứ trường Tư thục ở Mỹ là chất lượng cao. Điều đó đặt ra cho các bạn HSSV Việt Nam sự cần thiết của việc tìm hiểu trước khi đi du học Mỹ để có được quyết định đúng đắn cho bản thân. Một số thông tin cơ bản sau đây sẽ giúp các bạn hiểu thêm về hệ thống giáo dục của Mỹ.

1.Trung Học

Phần lớn, các bạn học sinh, sinh viên (HSSV) Việt Nam muốn đi du học đều bắt đầu sớm nhất là ở bậc Trung học. Học sinh (HS) có thể chọn học tập tại Trung học Tư thục hoặc Công lập. Các trường trung học có thể được phân chia theo mô hình giáo dục hoặc mô hình tổ chức.

1.1  Chia theo mô hình giáo dục:

Trường dự bị đại học (College-preparatory Schools) Đây là những trường chú trọng về việc chuẩn bị cho học sinh thành công trong môi trường học tập khắc nghiệt ở bậc đại học. Trường cũng dành cho những học sinh thích thử thách và hoàn thiện bản thân với những cơ hội mới.

Trường tôn giáo (Religious affiliated schools) Những trường chú trọng về một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó. Trường được trợ cấp bởi nhà thờ hoặc các tổ chức tôn giáo khác, do vậy giáo trình học và một số chính sách của trường có ảnh hưởng tôn giáo, độ ảnh hưởng phụ thuộc từng trường. Học phí tại các trường theo tôn giáo thường thấp hơn các trường độc lập vì có nguồn tài trợ được nhắc tới phía trên. Có nhiều trường nhóm này vẫn theo mô hình giáo dục dự bị đại học (college prep).

Ngoài ra còn có Trường quân sự, Trường căn bản, Trường cho học sinh cần giúp đỡ đặc biệt, v..v.., tất cả nhằm đáp ứng được sự đa dạng về hoàn cảnh của học sinh.

1.2  Chia theo mô hình tổ chức:

Trường nội trú (Boarding schools) Trường nội trú có phần lớn học sinh ăn ở tại trường. Học sinh nội trú (boarders) sống trong các kí túc xá nam hoặc nữ (dorm) của trường, có thể ở phòng đơn (single), đôi (double) hoặc trong một số trường hợp phòng ba người (triple).

Trường bán trú (Day schools) Trường bán trú chỉ phục vụ bữa trưa chứ không có nơi ở tại trường cho học sinh. Các học sinh học trường bán trú đến trường vào buổi sáng sớm và trở về nhà sau giờ học hoặc sau giờ hoạt động thể thao tại trường. Một số trường sắp xếp host family (gia đình người bản xứ cho học sinh ở cùng) cho học sinh nếu học sinh không thể chủ động về ăn ở. Học sinh tại các trường này hoặc host family thường sống gần trường. Học phí của trường bán trú thường thấp hơn các trường nội trú.

Trường nam nữ (Co-ed schools) Những trường bao gồm cả học sinh nam và học sinh nữ

Trường single-sex (Single-sex schools)

Trường nam sinh (all-boy schools): những trường chỉ nhận học sinh nam và có phần lớn giáo viên nam

Trường nữ sinh (all-girl schools): những trường chỉ nhận học sinh nữ và có phần lớn là giáo viên nữ.  

2.Đại học:

Nhắc đến đại học ở Mỹ không thể không nhắc đến những cái tên lớn như Harvard, MIT, Stanford, Yale,… nhưng không phải ai cũng có thể đặt chân được vào những ngôi trường nổi tiếng ấy, và còn rất nhiều sự lựa chọn khác phù hợp hơn cho chúng ta để dẫn tới thành công.

Nhìn chung, ở Mỹ có hai hệ thống các trường đại học chính mà học sinh có ý định du học bậc đại học Mỹ phải nắm rõ là Liberal Arts Colleges và National Universities. Ngoài ra, còn có các trường Cao đẳng Cộng đồng (Community Colleges) cũng rất đáng để lưu tâm khi muốn du học tại Mỹ. Cùng vời đó, một điều quan trọng là định nghĩa chính xác, điểm khác biệt giữa các hệ thống trường, để có một cái nhìn cụ thể, phù hợp cho bản thân mỗi người trước khi đăng ký du học.

Trong đó, điểm nổi bật mà rất nhiều phụ huynh lẫn học sinh nhầm lẫn về giáo dục Mỹ đó là không hiểu chính xác nghĩa của từ “College”. Nhiều người cho rằng các trường college là các trường “cao đằng” và có trình độ thấp hơn các trường “đại học” – university. Đây là một quan niệm sai lầm. Trên thực tế, ở Mỹ, college là từ thường được dùng chung để chỉ các trường đại học hệ 4 năm nói chung, trong đó bao gồm cả các trường college và university. Đồng thời, College khác vời Community College. Để thấy rõ hơn, hãy cùng xem định nghĩa về 3 hệ thống trường dưới đây:

2.1  Cao đẳng cộng đồng

Tương đương với hệ thống “cao đẳng” của Việt Nam. Đây là các trường đào tạo trên bậc phổ thông, mang tính chất hướng nghiệp.  Thông thường, chương trình học của các community college thường kéo dài trong 2 năm.  Sau khi tốt nghiệp community college, sinh viên có thể tiếp tục nộp đơn theo học tiếp 2 năm còn lại ở các trường college hoặc university có chương trình đào tạo đại học 4 năm để nhận bằng cử nhân (thường biết đến với tên chương trình 2+2).

2.2  Liberal arts colleges

Khái niệm liberal arts này rất đặc trưng của Hoa Kỳ, nên cố gắng hiểu mục đích và bản chất của nó sẽ lợi hơn là tìm cách dịch sang tiếng Việt.

Mô hình Liberal Arts đặc sắc của giáo dục đại học Hoa Kỳ này được xây dựng dựa trên triết lý: phát triển con người một cách toàn diện. chương trình đào tạo của các trường liberal arts thường chú trọng đến phát triển các kỹ năng có thể áp dụng được trong nhiều công việc và hoàn cảnh khác nhau

2.3  National Universities

Hay gọi nôm na là các trường đại học lớn, đào tạo cả bậc đại học lẫn cao học, thường có quy mô lớn với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn – tác giả của những nghiên cứu mang tính đột phá, những sáng chế, phát minh mới cho nước Mỹ và cả thế giới. Những cái tên đình đám như Yale hay Stanford đều nằm trong hệ thống này.

3. Sau đại học:

Như đã nói ở trên, cấp bậc sau Đại học thường chỉ có ở các trường National Universities. Sinh viên đăng ký các chương trình Sau Đại học sau khi đã hoàn tất chương trình Cử nhân Đại học và/hoặc Thạc sĩ. Chương trình Thạc sĩ/Tiến sĩ thường được giảng dạy tại các trường đại học hoặc tại các viện nghiên cứu. Sinh viên có thể theo học chương trình Sau Đại học theo dạng tín chỉ hoặc nghiên cứu hoặc kết hợp cả hai. Một chương trình Tiến sĩ có thể cần từ 3 đến 6 năm để hoàn tất tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu, khả năng của mỗi cá nhân và đề tài luận án mà sinh viên đã chọn. Tiến sĩ (PhD). Ngoài ra, còn có một số văn bằng Tiến sĩ chuyên môn khác như Tiến sĩ Giáo dục (Ed.D.), Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (D.B.A.), và Tiến sĩ Y khoa (M.D.).

Bằng một cái nhìn tổng thể về nền giáo dục cũng như hệ thống các trường ở Mỹ đã được nhắc đến, các bạn HSSV có thể chọn cho mình con đường đi phù hợp nhất với mục tiêu, sở thích, sở trường cũng như điều kiện của bạn thân, của gia đình, và những thông tin này giúp cho các bạn có thể định hướng dễ dàng nhất và đến với thành công nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nguồn: http://www.eduboston.vn/thong-tin-su-kien/ArticleID/19/cai-nhin-tong-quan-ve-he-thong-giao-duc-my

0 comments:

Post a Comment